Độc đáo món ăn từ hoa rừng ở Kbang

Admin   07 tháng 11 2021
LƯỢT XEM

 Độc đáo món ăn từ hoa rừng ở Kbang

Hoa rừng Tây Nguyên phong phú về chủng loại, là nguồn nguyên liệu dồi dào để chế biến những món ăn ngon, bổ dưỡng. Việc sử dụng hoa rừng làm thực phẩm còn là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người vùng cao.

 

Vào những tháng đầu mùa mưa ở Tây Nguyên, khi những chùm hoa núc nác rừng bắt đầu nở rộ, hồng tươi trên các nương rẫy, sườn đồi cũng là lúc đồng bào Jrai, Bahnar lại đi nhặt những bông hoa mới rụng để chế biến món ngon cho gia đình. Vào mùa hoa chính vụ, chỉ qua một đêm, sớm ra những bông hoa núc nác mới nở đã rụng đầy quanh gốc. Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, những bông hoa núc nác còn tươi, cuống hoa còn nguyên như mới, nhặt được khi nắng mai còn chưa lên sẽ là những bông hoa ngon, tích nhiều mật và có độ bùi cao. Khi chế biến, hương vị món ăn theo đó cũng sẽ ngon ngọt và hấp dẫn hơn rất nhiều.

 

Hoa núc nác nhặt về thường được nấu chung với thịt heo, thịt bò hay cá khô. Hoa có thể xé tươi thành những sợi to để xào, làm nộm hoặc nướng trên lửa cho héo, giã nhuyễn cùng muối ớt, cá khô làm thành món ăn tiện lợi. Cầu kỳ hơn nữa có thể hấp hoặc nhồi với các loại thịt băm ướp với gia vị. Các món ăn từ hoa núc nác thường có vị đắng nhân nhẩn, nhưng khi nhai kỹ sẽ cho cảm giác ngòn ngọt ở lưỡi, vị thơm, bùi cộng thêm chút mằn mặn của thịt, cá và cay nồng của ớt xiêm, chắc chắn vị giác của thực khách sẽ vô cùng kích thích với món hoa rừng dân dã này.

 

Khi hoa núc nác nở rộ cũng là thời điểm người Tây Nguyên vào rừng thu hái hoa nghệ về làm thức ăn. Nghệ rừng là loại cây ưa mát, thường mọc xen dưới các bụi le, ra hoa vào khoảng tháng tư, khi những cơn mưa đầu tiên ở Tây Nguyên trút xuống. Nghệ rừng có 2 loại: hoa trắng và hoa vàng. Theo đồng bào Bahnar ở huyện Kbang, hoa nghệ rừng, đặc biệt là hoa nghệ vàng có mùi vị đặc trưng thơm ngon và là đặc sản luôn được săn lùng khi mùa mưa đến.

 

Món hoa đu đủ xào với lá mì và cà đắng. Ảnh: Mơ Ai

 

Hoa nghệ chế biến được nhiều món ngon hấp dẫn. Hoa thu hái về bóc bỏ hết phần cánh hoa, chỉ để lại phần lõi bên trong nõn nà, mọng nước. Đây chính là phần ngon nhất của hoa dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn. Lõi hoa luộc, hấp chín hoặc xào với lòng gà sẽ giữ nguyên mùi thơm đặc trưng của hương hoa, vị ngọt thanh của mật, độ giòn tươi sần sật của cuống hoa, ăn kèm với các loại gia vị muối ớt lá é thì vô cùng lạ miệng. Thân hoa nghệ còn dùng để giã sống hay nướng cháy trên lửa cùng cá khô, muối ớt và bột ngọt giã nhuyễn thành món ăn khô, tiện lợi, để dành. Hoa nghệ nướng cùng các món khô giã muối ớt luôn là món ăn truyền thống mà người dân bản địa Tây Nguyên đặc biệt yêu thích. Gần đây, hoa nghệ rừng đã trở thành món đặc sản khó cưỡng trong thực đơn phục vụ du khách ở Khu lưu niệm Anh hùng Núp (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang).

 

Nếu hoa nghệ rừng đã trở thành đặc sản khó kiếm thì hoa đu đủ có thể thu hái trên nương rẫy hay ngay tại vườn nhà. Những bông hoa đu đủ non thơm lừng còn đọng sương mai là nguyên liệu không thể thiếu của món xào lá mì cà đắng. Lá mì sau khi vò nát cho vào chảo cùng cà đắng và hoa đu đủ để xào khô. Vị bùi và thơm của lá mì xen lẫn mùi cay nồng của hạt tiêu, độ sần sật giòn tan của cà rừng, vị đăng đắng pha một chút nhân nhẩn, cay cay của hoa đu đủ giòn tươi cùng trái ớt hiểm, trộn thêm một chút thịt băm nhỏ thì món ăn càng trở nên đặc biệt hấp dẫn.

 

Hoa đu đủ có thể chế biến thành nhiều món luộc, làm nộm hay xào tỏi, nhưng với người Tây Nguyên món đu đủ um lá chuối với chuột đồng, cá khô hay cua, cá là món ngon không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Hoa tước bỏ cuống chỉ lấy phần cánh trộn chung với thịt chuột nướng giã nhỏ hay cua, cá gác bếp cho dậy mùi, thêm chút muối ớt, lá é, bọc trong nhiều lớp lá chuối vùi vào bếp than hay tro nóng. Món hoa đu đủ um khi chín tỏa mùi thơm ngào ngạt. Những cánh hoa mềm mướt không còn vị hăng mà trở nên đắng dịu thấm tháp, mùi hương hoa lan tỏa, hòa quyện đưa thực khách trở về với không gian của núi rừng thiên nhiên.

 

Ngoài các loài hoa trên, hoa pơ lang, hoa chuối rừng, hoa gừng non, hoa ngót rừng… đều được người dân sử dụng làm thực phẩm và chế biến thành các món ăn, bài thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Hoa rừng Tây Nguyên phong phú về chủng loại và có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, hoa dùng để ăn và chế biến thành những món ngon truyền thống thì chỉ có người có kinh nghiệm mới có thể phân biệt được.

 

Hoa để làm đẹp và tận dụng hoa làm thức ăn là nét tinh túy trong ẩm thực Việt Nam. Năm 2020, Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) từng công nhận 5 kỷ lục thế giới đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam. Và gần đây, vào tháng 10-2021, Hiệp hội Kỷ lục thế giới (WRA) chính thức xác lập 5 kỷ lục về ẩm thực này. Trong đó, Việt Nam được xếp là quốc gia sở hữu nhiều món ăn làm từ hoa nhất, với 43 loại hoa ăn được khác nhau và 272 món ăn sáng tạo được làm từ hoa. Với sự xác lập trên, giá trị ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế lại càng được khẳng định và nâng cao. Danh sách các món ăn vẫn và đang được cập nhật thêm. Hy vọng các loại hoa rừng Tây Nguyên và các món ăn dân dã, truyền thống làm từ hoa rừng sẽ được danh sách cập nhật, bổ sung, làm dài thêm thực đơn ẩm thực mà Tổ chức Kỷ lục thế giới đã công nhận.

 

THANH LAN/GLO

logoblog

Nhận xét bài viết

Bài viết liên quan

Bình Luận