Kbang: Người phụ nữ liều đổ hàng trăm triệu đồng thử trồng nho trên đất cằn

Admin   23 tháng 9 2021
LƯỢT XEM

Người phụ nữ liều đổ hàng trăm triệu đồng thử trồng nho trên đất cằn


Thấy bà Chu Thị Huệ liều lĩnh đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng nho trên đất cằn ở cao nguyên Kbang, Gia Lai, nhiều người can ngăn. Hai năm sau, vườn nho lúc lỉu quả ngọt sau bao lần nếm "trái đắng".

Hai năm trước, bà Chu Thị Huệ rầu rĩ nhìn ruộng mía cứ liên tục mất mùa, thất bát, công sức bỏ ra đổ sông đổ biển. Trăn trở mãi, thế rồi bà Huệ liều đổ hàng trăm triệu đồng để chuyển đổi ruộng mía sang làm vườn trồng nho.

"Trong một lần về Vĩnh Phúc thăm bà con, tôi nắm bắt được mô hình trồng cây nho Hạ Đen. Tìm hiểu ban đầu thấy giống nho này khả năng hợp với đất cằn cỗi ở huyện Kbang nơi tôi đang ở. Từ đó, tôi có ý muốn chuyển từ ruộng mía sang làm vườn nho trên đất nhà mình", bà Huệ chia sẻ tâm tư khi đưa ra quyết định liều lĩnh


Bà Chu Thị Huệ đã đánh liều đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng mô hình nho trên mảnh đất cằn cỗi xã Đăk Hlơ.


Khi thấy bà Huệ đầu tư hàng trăm triệu đồng để thử trồng nho, nhiều người can ngăn. "Quả thật việc can ngăn cũng vì bà con xung quanh chưa thấy mấy ai liều như tôi. Nhưng tôi đã tìm hiểu kỹ thuật, đầu ra cho nông sản nếu trồng thành công nên quyết chí làm", bà Huệ bộc bạch.

Đầu năm 2020, bà Huệ đã mua hơn 1.300 giống cây nho Hạ Đen từ Bắc Giang và đưa về trồng tại Gia Lai. Ngoài sự hướng dẫn của bên cung cấp giống, bà Huệ còn lên mạng internet đọc, học cách trồng, chống sâu bệnh để bổ sung kiến thức trong quá trình chăm sóc.


Khi đưa nho về trồng, bà Huệ đã gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, kỹ thuật.


Vườn nho của bà Huệ phát triển xanh tốt trước sự hiếu kỳ của nhiều người. Mỗi ngày, người phụ nữ "chân đất" đều ở vườn nho để nhặt lá, làm cỏ và quan sát cây lớn lên.

Tháng 9/2020, bà Huệ nhận "trái đắng" khi mưa bão ập, vườn nho đang xanh tốt bị ngã đổ, gãy thân. Nhìn vườn nho tan hoang trước mắt, bà Huệ như "đứt từng khúc ruột". Nhưng không nản lòng, bà cắt bỏ những cây gãy, dựng lại những cây bị ngã đổ, gần như làm lại từ đầu với vườn nho trên 3 sào đất lâu nay gia đình vẫn trồng mía.

Để cây nho phát triển tốt, chống chọi sâu bệnh, bà Huệ áp dụng phương pháp chăm sóc hữu cơ và đầu tư hệ thống nước nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước.

Khi nho bắt đầu có quả, bà Huệ đã cắt tỉa những quả hư, quả nhỏ để có được những chùm nho đều quả. Lá sâu, cành hư đều được bà tỉ mẩn cắt, tỉa không bỏ sót.

Sau nhiều tháng chăm sóc, vườn nho của bà Huệ đã trĩu quả. 


Qua Tết Nguyên đán 2021, vườn nho của bà Huệ đã đơm hoa, kết trái trước sự thán phục của nhiều người. Đến tháng 9 này, vườn nho của bà Huệ đã thu hoạch mùa quả ngọt đầu tiên với 1,5 tấn nho. Ước chừng đến hết vụ này, khu vườn sẽ cho thu hoạch từ 3,5 - 4 tấn quả.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc bao tiêu sản phẩm nho không được thuận lợi. Bà Huệ đã chủ động bán lẻ trên địa bàn với giá từ 70.000 - 100.000 nghìn đồng/kg.

Nghe có vườn nho trĩu quả ở huyện Kbang, nhiều người đã vượt hàng trăm cây số đến chiêm ngưỡng và mua về làm quà cho gia đình. Với lợi thế là mô hình đầu tiên của tỉnh, mỗi ngày bà Huệ đã đón hàng trăm lượt khách đến tham quan. Du khách có thể tự đi tham quan và cắt những chùm nho chín mọng rồi đưa đến cân. 


Nghe có vườn nho tại Kbang, rất nhiều khách đã đến chụp ảnh và mua về.


Mô hình vườn nho Hạ Đen của bà Huệ đã mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng cho xã Đăk Hlơ và huyện Kbang. Song song là việc phát triển du lịch trên địa bàn xã.

Bà Huệ cho biết: "Hiện tôi đang tiếp tục trồng thử nghiệm hơn 300 gốc cây giống nho hạt và nho dài. Nếu phù hợp, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình. Lồng ghép vào đó là xây dựng khu du lịch sinh thái ngay tại vườn nho". 

Người phụ nữ đầu tiên trồng nho thành công ở đất Kbang, Gia Lai còn bày tỏ mong muốn địa phương có thể mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân muốn trồng nho.


Nhận thấy cây nho hiệu quả kinh tế nên huyện đã có nhiều hỗ trợ nhằm nhân rộng mô hình.


Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Phích - Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ (huyện Kbang, Gia Lai) cho biết: "Đây là mô hình còn khá mới của tỉnh. Sau hơn một năm trồng, xã nhận thấy chất lượng và sản lượng nho đạt gần bằng so với các tỉnh khác. Tuy ảnh hưởng dịch và thời tiết nhưng vườn nho của bà Huệ đã thu hoạch, bán được hơn một nửa. Đặc biệt, người dân nhiều nơi đã đến chụp ảnh, tham quan. Huyện cũng đang có chính sách hỗ trợ để phát triển mô hình này".   


 Phạm Hoàng/Dân trí

logoblog

Nhận xét bài viết

Bài viết liên quan

Bình Luận