Giá tiêu tăng cao nhưng tại sao nông dân, doanh nghiệp không được hưởng lợi nhiều?

Admin   06 tháng 9 2021
LƯỢT XEM

 Giá tiêu tăng cao nhưng tại sao nông dân, doanh nghiệp không được hưởng lợi nhiều?

 

Lượng tiêu trong dân không còn nhiều, doanh nghiệp cũng xuất khẩu hạn chế nên dù giá tiêu tăng cao nhưng nông dân và doanh nghiệp không được hưởng lợi nhiều.

Giá tiêu tăng cao nhưng không nhiều nông dân hưởng lợi


Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu chững lại, song nguồn cung khan hiếm khiến giá tiêu tăng mạnh. Giá tiêu trong nước tiếp tục duy trì ở mức cao.

Hiện tại, giá tiêu ở các vùng nguyên liệu Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dao động ở mức 73.500-76.500 đồng/kg.

Nông dân ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) thu hoạch tiêu niên vụ 2021-2022. Ảnh: Trần Hiền


Vùng nguyên liệu hồ tiêu của tỉnh Gia Lai có diện tích hơn 13.600ha. Nhưng do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh và công sức đầu tư chăm sóc giảm mạnh nên sản lượng niên vụ 2020-2021 thấp hơn so với trước.

Anh Trần Hữu Nhiệm ở huyện Đắk Đoa (Gia Lai) cho biết, năm nay giá tiêu thường xuyên duy trì trên 70.000 đồng/kg.

Tuy giá có chiều hướng tăng lên gần đây nhưng thời điểm này hầu hết người dân không còn hồ tiêu để bán.

Theo ông Trần Ngọc Chương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Chương Gia Lai, giá tiêu phục hồi từ cuối tháng 5/2021.

Hiện nay, giá tiêu tăng nhưng Công ty Ngọc Chương Gia Lai không có hàng trong vùng nguyên liệu để thu mua.

"Công ty hiện thu mua số lượng nhỏ lẻ vì nông dân đã bán hết 80% lượng tiêu từ đầu vụ", ông Chương cho biết.

Tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), ông Phạm Quang Chung - Giám đốc HTX hồ tiêu sinh thái Lộc Quang cho biết, giá tiêu trong tỉnh đang giao động ở mức 76.000-78.000 đồng/kg.

Tuy nhiên diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc chế biến và tiêu thụ của HTX.

Kể cả sản phẩm hồ tiêu mà HTX muốn đóng gói làm quà thiện nguyện gửi xuống TP.HCM, Bình Dương cũng không được. "Vì đầu mối cung cấp hũ nhựa không thể vận chuyển hàng lên Bình Phước", ông Chung nói.


Ông Hoàng Phước Bính - Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nhận định, thị trường hồ tiêu đang ở trạng thái giảm về sản lượng và tăng về giá trị xuất khẩu.


"Mặc dù giá tiêu đang tăng lên, người trồng không còn bị lỗ tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đang làm đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển tăng", ông Bính chia sẻ.


Xuất khẩu hồ tiêu gặp khó


Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân trong tháng 8/2021 đạt mức cao nhất trong 3 năm qua, kể từ mức chạm đáy năm 2018.


Ước tính, lượng hạt tiêu xuất khẩu trong tháng 8/2021 đạt gần 17.000 tấn. Sản lượng xuất khẩu tháng 8 thấp hơn rất nhiều so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu chỉ giảm 2,4%, nhưng trị giá đạt 63,13 triệu USD; tăng mạnh gần 46%.


Tính chung 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt trên 197.000 tấn; trị giá 654,6 triệu USD.


Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam có phần giảm trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, trị giá lại tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2020.


Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.321 USD/tấn; tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020. 


Theo Tổng cục Hải quan, thống kê 7 tháng đầu năm 2021 cho thấy, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu có sự thay đổi khá lớn. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại đã qua sơ chế hoặc chế biến chuyên sâu.


Ngoài ra, ngành hạt tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhằm phục vụ cho ngành sản xuất mỹ phẩm. Nguyên nhân do lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu làm gia vị cho các món ăn tại nhà hàng, khách sạn giảm.


Trần Khánh/Dân Việt


logoblog

Nhận xét bài viết

Bài viết liên quan

Bình Luận